Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng.
Chiều 14-7, Chính phủ tổ chức Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Hội nghị do Thủ tướng chủ trì, nhằm đánh giá thực trạng và nêu rõ những hạn chế, bất cập của thị trường bất động sản; tổng hợp kinh nghiệm trong nước, quốc tế, từ đó đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan để đảm bảo thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Dự hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có Phó thủ tướng Lê Minh Khái; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; lãnh đạo các bộ ngành: Tài chính, Tài nguyên và môi trường; Công an; Kế hoạch và đầu tư;... đại diện các hiệp hội, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, bất động sản.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong thời gian qua, tình hình chính trị và kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, bất ổn, khó lường, tác động tới nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn.
Nước ta vẫn có những nền tảng rất cơ bản để phát triển tất cả các ngành, lĩnh vực đúng hướng, bền vững, nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là để xử lý các vấn đề đặt ra, vượt qua các khó khăn, thách thức.
Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đạt mức tăng trưởng theo chỉ tiêu Quốc hội giao; trong đó, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường.
Thủ tướng nêu rõ, thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng.
"Tinh thần là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng ai sai phạm thì phải xử lý; bảo vệ, khuyến khích những người làm đúng, những người làm ăn chân chính, hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.
"Đang thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà cho công nhân"
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo đánh giá toàn diện thị trường bất động sản năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, dự báo tình hình và đề xuất các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã chỉ ra 13 tồn tại của thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó có những tồn tại liên quan đến việc lựa chọn chủ đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, phê duyệt quy hoạch còn chậm.
Theo ông Nghị, nguồn cung nhà ở thương mại giảm hầu hết ở các địa phương, nhiều dự án còn vướng mắc. Đặc biệt, hiện nay thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, trong khi giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng.
Liên quan đến giao dịch bất động sản, ông Nghị đã chỉ ra thực trạng các giao dịch chưa minh bạch, còn hiện tượng kê khai 2 giá, nhiễu loạn thị trường. Công tác thông tin tại một số địa phương chưa công khai, minh bạch và công tác đấu giá đất còn hạn chế…
Liên quan đến các giải pháp phát triển thị trường bất động sản, ông Nghị cho rằng cần theo dõi sát tình hình, kịp thời các giải pháp để làm lành mạnh thị trường, tăng kiểm tra rà soát. Khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, công khai minh bạch thông tin. Đặc biệt kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi đưa thông tin nhiễu loạn.
Phát biểu tại điểm cầu TP.HCM, giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân cũng cho biết cơ cấu sản phẩm bất động sản ở TP đang mất cân đối. Tỉ lệ căn hộ ở phân khúc bình dân thường chiếm cao nhất, nhưng hiện phân khúc bình dân chiếm tỉ lệ thấp nhất, trong khi phân khúc cao cấp lại tăng.
Để đảm bảo cân đối, ông cho rằng cần có các giải pháp cụ thể để giảm sự lệch pha giữa phân khúc cao cấp và trung cấp.
Ông cũng cho rằng cần hạn chế những nhà đầu tư yếu kém, huy động vốn tràn lan, gây ra các rủi ro.
Về giải pháp, người đứng đầu Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị tháo gỡ các điểm nghẽn lớn của TP về thủ tục, xác định nghĩa vụ tài chính, cơ chế giao đất… tránh ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư.
Giám sát kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trong 2 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.
Hiện nay dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản mới tương đương khoảng 18,6% so với dư nợ tín dụng bất động sản của các ngân hàng thương mại, rủi ro có sự liên thông tác động qua lại giữa các thị trường cần phải được theo dõi chặt chẽ.
Để vừa phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vừa khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn trái phiếu một cách minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất tập trung vào các nhóm giải pháp chính để ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các doanh nghiệp phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thường xuyên cung cấp thông tin, cảnh báo, khuyến nghị thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về các rủi ro đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
"Vô cùng nguy hiểm nếu bóp nghẹt thị trường trái phiếu"
TS Cấn Văn Lực cho rằng thị trường bất động sản 2 năm qua phát triển tích cực. Đây là thời điểm quan trọng để "xốc" lại thị trường.
Theo ông, hiện có 5 nguồn huy động vốn cho bất động sản, trong đó có 2 nguồn vốn trụ cột là vốn tín dụng và trái phiếu.
Ông Lực lưu ý về nguồn vốn hiện dư nợ tín dụng cho bất động sản hiện chiếm trên 20,6% dư nợ nền kinh tế, so với các nước vẫn thấp hơn, nên còn dư địa cho vay, đặc biệt là cho vay bất động sản nhà ở.
"Rất tiếc thời gian qua hơi chững lại, nhưng kênh trái phiếu vẫn là kênh quan trọng", ông Lực nói và đề xuất cần tiếp tục phát triển thị trường vốn tốt hơn.
Liên quan đến giải pháp, ông Lực đề xuất cần giải quyết những vấn đề trước mắt như quan tâm giải quyết rủi ro từ dư nợ trái phiếu, ứng xử phù hợp, tránh hiệu ứng domino... "Nếu bây giờ bóp nghẹt thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì vô cùng nguy hiểm đối với các nhà đầu tư", ông Lực nói.
Ông cho rằng nên xây dựng chiến lược phát triển thị trường phát triển bất động sản, cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh liên quan đến đất đai, quy hoạch, đấu giá đấu thầu, xây dựng…
Riêng với thị trường bất động sản, ông cho rằng cần cho phép thí điểm một số kênh huy động nguồn vốn mới như Fintech, đa dạng kênh huy động vốn…, và cần phân nhóm bất động sản để không đánh đồng, có căn cứ để xác định mức độ rủi ro.
Ngoài ra, cần có đầu mối quản lý chuyên nghiệp, chuẩn hóa để quản lý, tham gia thị trường bất động sản.
TP.HCM kiến nghị gì để tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản?
Ông Trần Hoàng Quân, giám đốc Sở Xây dựng, kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành trung ương cần có các văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án bất động sản để các địa phương triển khai thực hiện, gồm các bước liên quan như chấp thuận chủ trương đầu tư, duyệt quy hoạch, giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, cấp giấy phép xây dựng…
Theo ông Quân, hiện nay do hệ thống các quy định pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ (pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư, quy hoạch, tài chính, thuế...) dẫn đến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị hồ sơ đầu tư xây dựng dự án, mà ở TP.HCM là một điển hình.
Ông Quân cho biết, vướng mắc tập trung hiện nay là việc xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và cơ chế giao đất, cho thuê đất đang là bất cập, làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án bất động sản, ảnh hưởng không nhỏ đến kêu gọi đầu tư, nhất là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Người đứng đầu Sở Xây dựng kiến nghị tiếp tục rà soát các dự án bất động sản nhà ở cao cấp không triển khai, để đất hoang hóa, các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân. Kịp thời giải quyết hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những khó khăn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Ngoài ra, ông cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời trong các thủ tục về đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, đất đai, nhà ở..
"Chính các điểm nghẽn về pháp lý đã khiến các dự án chậm triển khai hoặc không thể triển khai, dẫn đến làm gia tăng chi phí, đẩy giá nhà lên cao so với thu nhập của người dân", ông nói.
Dư nợ tín dụng cho vay bất động sản khoảng 2,33 triệu tỉ đồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, với vai trò là ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tín dụng nhằm mục tiêu chính sách tiền tệ và đưa ra các quy định, chính sách bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Chương trình tín dụng 30.000 tỉ đồng theo nghị quyết 02/NQ-CP từ năm 2013 đã hoàn thành việc giải ngân cuối năm 2016 với doanh số là 29.679 tỉ đồng, tạo điều kiện cho hơn 53.000 đối tượng gặp khó khăn có điều kiện tiếp cận về nhà ở.
Chương trình đang ở giai đoạn thu nợ, nợ tái cấp vốn được thu đầy đủ, đúng hạn.
Đến ngày 30-6-2022, chương trình đã thu nợ lũy kế là 22.486 tỉ đồng; dư nợ cho vay còn lại là 7.189 tỉ đồng, nợ xấu 1,72%.
Hiện nay, ngân sách bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay nhà ở xã hội theo nghị định 100/2015/NĐ-CP giai đoạn 2016-2020 là 2.163,22 tỉ đồng. Năm 2021, ngân sách bố trí thêm 1.000 tỉ đồng cho ngân hàng này. Đồng thời, tại nghị quyết 11/NQ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội được bố trí thêm 15.000 tỉ đồng để cho vay theo nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Đến ngày 31-5-2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 8.223 tỉ đồng và dư nợ là 7.036 tỉ đồng. Các ngân hàng thương mại được chỉ định (bao gồm Vietinbank, Agribank, BIDV và Vietcombank) chưa triển khai cho vay nhà ở xã hội theo nghị định 100/2015/NĐ-CP do chưa được ngân sách nhà nước bố trí nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất.
Đến ngày 31-5-2022, dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội của các chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách là 3.131 tỉ đồng, với hơn 129.000 khách hàng còn dư nợ.
Trích nguồn: https://tuoitre.vn/