Năm tháng nay, bất động sản công nghiệp nhộn nhịp đón nhà đầu tư Á - Âu - Mỹ tiếp cận thị trường, mở ra đà tăng trưởng mới.
Thương hiệu trang sức Đan Mạch Pandora giữa tháng 5 đã ký biên bản ghi nhớ xây cơ sở chế tác trang sức mới tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP) ở tỉnh Bình Dương. Đây sẽ là địa điểm sản xuất thứ ba của công ty và là điểm đầu tiên bên ngoài Thái Lan.
Tập đoàn Framas của Đức cũng vừa thuê một khu nhà xưởng xây sẵn rộng 20.000 m2 tại dự án KTG Industrial Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai). Framas chuyên sản xuất các bộ phận bằng nhựa chất lượng cao phục vụ khách hàng như Nike và Adidas.
Tập đoàn Fuchs, đại gia dầu nhớt của Đức, cuối quý I công bố mở rộng hoạt động tại Việt Nam với động thái thuê khu đất rộng 20.000 m2 tại Khu công nghiệp chuyên dụng Phú Mỹ 3 (PM3 SIP) ở Bà Rịa - Vũng Tàu để xây dựng nhà máy mới. Hợp đồng thuê đất thời hạn 55 năm, cho thấy cam kết lâu dài tại Việt Nam của nhà sản xuất dầu nhớt có kinh nghiệm hơn 90 năm của Đức.
Miền Trung cũng thành điểm đến hút nhiều nhà đầu tư mới. Arevo Inc. đến từ Mỹ muốn đầu tư nhà máy sản xuất máy in 3D (135 triệu USD) tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng; United States Enterprises dự kiến đặt nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở đây trị giá 110 triệu USD hay Trung tâm Nghiên cứu phát triển và sản xuất Fujikin (35 triệu USD) cũng đặt tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng...
Trong khi đó, khu vực miền Bắc tiếp tục hút dòng vốn từ các nhà đầu tư Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản - những tay chơi tham gia vào thị trường từ rất sớm và không ngừng mở rộng quy mô tại các thủ phủ công nghiệp phía Bắc.
CapitaLand Development đầu năm ký biên bản ghi nhớ đầu tư một tỷ USD với tỉnh Bắc Giang để phát triển khu công nghiệp, hậu cần và khu đô thị đầu tiên của CLD tại Việt Nam. Còn Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW đã mua lại Khu công nghiệp DEEP C với quy mô khoảng 74.000 m2 tại Khu công nghiệp Bắc Tiên Phong, tỉnh Quảng Ninh.
Thái Nguyên chỉ 2 tháng đầu năm hút được 924 triệu USD vốn FDI, chiếm gần 18,5% tổng vốn FDI cả nước trong kỳ. Nổi bật trong đó là khoản bổ sung vốn trị giá 920 triệu USD của Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam, thuộc Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc). Nhờ đó, nâng tổng vốn đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Bình tại thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên lên 2,27 tỷ USD (gần 52 nghìn tỷ đồng).
Các chuyên gia tại diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2022, ngày 24/5 cũng đánh giá làn sóng FDI mới đang bùng nổ 5 tháng nay, khi Việt Nam trở lại trạng thái "bình thường mới" và kiểm soát được Covid-19. Điều này mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các thủ phủ công nghiệp thời gian tới.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá, các nguồn vốn FDI mới đổ vào khu công nghiệp Việt Nam năm 2022 đang có xu hướng phát triển theo hai nhánh. Thứ nhất là các ngành sản xuất và thứ hai là hậu cần phụ trợ, tức bất động sản công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, logistics.
Theo bà Trang, với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư gốc Á như: Singapore, Nhật Bản, Hong Kong, Hà Quốc... và cả nhóm các nhà đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu cũng đã lần lượt xuất hiện tại thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Với nhóm các nhà đầu tư cập bến thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 đang có xu hướng tìm kiếm bất động sản hậu cần chất lượng ngày càng cao hơn.
Còn ông Fabian Urban, Giám đốc phụ trách mảng công nghệ giày dép của Framas Việt Nam, cho biết lý do chọn Việt Nam để mở nhà máy vì cơ sở vật chất vượt trội so với các địa điểm khác. "Việc thành lập nhà máy mới là một phần trong chiến lược của Tập đoàn nhằm phát triển lĩnh vực giày dép tại Việt Nam", ông Urban nói.
Ông Lance Li, Tổng giám đốc Công ty BW Industrial dự báo thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ còn nhiều triển vọng đón dòng vốn mới năm nay. Theo ông, tín hiệu tích cực thể hiện ở chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam ghi nhận tăng trưởng 7 tháng liên tiếp.
CEO Cushman & Wakefield nhận định, thị trường logistics Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn đầu phát triển nhưng có nhiều tiềm năng phát triển vượt bậc trong vòng 5-10 năm nữa khi Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ tầng lớp trung lưu với thu nhập khả dụng tăng cao và sự lan tỏa mạnh mẽ của thương mại điện tử sẽ là những xung lực thúc đẩy thị trường logistics phát triển.