Hàng loạt khu đất gắn liền với các dự án giao thông trọng điểm tại Bình Dương sẽ được đấu giá để lấy kinh phí phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Sau khi đấu giá hoàn thành, Bình Dương sẽ giám sát, tránh tình trạng “xí phần” rồi bỏ hoang gây lãng phí quỹ đất.
Ngày 22/2, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, để giải quyết câu chuyện giao thông gắn liền phát triển kinh tế vùng, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, địa phương đang tập trung các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường giao thông trọng điểm như: Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… Song song với việc đầu tư xây dựng các tuyến đường này, công tác quy hoạch các vùng đất phụ cận để sử dụng vào mục đích thực hiện các dự án phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại, logistics… cũng được tỉnh quan tâm.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho hay, sở này được UBND tỉnh giao phối hợp với các sở ngành, địa phương chủ động xây dựng “Phương án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Theo vị đại diện, mục tiêu của việc xây dựng phương án là để địa phương chủ động đưa các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất (đối với quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng) và đấu thầu dự án có sử dụng đất (đối với quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng), nhằm mục đích tăng nguồn thu từ quỹ đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, qua rà soát và phối hợp với các sở ngành, địa phương, đến nay Sở đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh về dự thảo phương án khai thác quỹ đất gồm 36 khu với diện tích 17.925 ha.
Trong đó có 7 khu đất sạch với tổng diện tích 274 ha do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Dương quản lý, xin chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất trong giai đoạn 2022- 2024; 29 khu vực phát triển đô thị (kết hợp điểm TOD) với tổng diện tích 17.651 ha quy hoạch gắn liền với các tuyến đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đề xuất thực hiện theo hình thức đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất trong giai đoạn sau năm 2025 - 2030.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bình Dương, nguồn vốn thực hiện các phương án khai thác quỹ đất sẽ được ứng từ nguồn vốn quỹ phát triển đất đối với trường hợp thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch sau đó thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; sử dụng vốn từ nhà đầu tư đối với trường hợp thực hiện thông qua hình thức đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Dương, công tác khảo sát, rà soát quỹ đất để triển khai phương án khai thác quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương cơ bản đã hoàn thành những hạng mục đầu tiên
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, tinh thần chung của địa phương là thực hiện đấu giá, đấu thầu nguồn đất công đúng theo quy định của pháp luật, mang lại hiệu quả lớn nhất cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, việc tổ chức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng, thuê đất thực hiện đúng theo kế hoạch và quy hoạch sẽ giúp địa phương giữ được quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra. Để bảo đảm các tổ chức, cá nhân sau khi hoàn thành đấu giá, đấu thầu sử dụng đất đúng mục đích đăng ký, địa phương sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, tránh tình trạng lợi chính sách để “xí phần” rồi bỏ trống, gây nên tình trạng lãng phí quỹ đất.
Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, với những khu vực đất dự kiến đấu giá ở Bình Dương, thấp nhất 450.000 đồng/m2 và cao nhất khoảng 40 triệu đồng/m2. Như vậy, với gần 18.000 ha đất khi đấu giá sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng.